Tin Tức
Thị trường Mỹ
Năm 2014, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2013. Dệt may Việt Nam tiếp tục đạt sức tăng trưởng khá trên thị trường Mỹ.
Nếu so với các quốc gia cạnh tranh khác trên thị trường Mỹ, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng dẫn đầu với hai con số, trong khi các quốc gia khác tăng nhẹ hoặc thậm chí tăng trưởng âm. Cụ thể: Trung Quốc tăng nhẹ chưa tới 1%, Ấn Độ tăng trưởng khoảng 6%, còn lại Indonesia và Bangladesh, Pakistan, Campuchia tăng trưởng âm. Thị phần của Việt Nam tại thị trường dệt may Mỹ đạt 8,4%, tăng 0,6% so với năm 2013.
Dự báo xuất khẩu dệt may năm 2015 của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục đạt tăng trưởng tốt, tăng 13% so với năm 2014, đạt trên 11 tỷ USD. Đó là nhờ tốc độ tăng trưởng GDP hai qúy liên tiếp của Mỹ đạt mức cao, thị trường việc làm và địa ốc giữ được đà cải thiện, lạm phát ở mức thấp - đây là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục là điểm sáng trong những tháng tiếp theo.
Thị trường EU
Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta sang EU ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2014 thị phần của Việt Nam đã tăng lên mức 1,98% từ mức 1,1% của năm 2013. Dệt may Việt Nam đang đạt tăng trưởng tốt trên thị trường EU. Phải công nhận rằng đây là một nỗ lực lớn của ngành vì theo dự báo tăng trưởng kinh tế mùa thu của Ủy ban châu Âu (EC), mức tăng trưởng của 18 nước thành viên Eurozone trong năm 2014 chỉ đạt 0,8%, giảm so với mức 1,2% đưa ra trong dự báo trước đó. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng của Eurozone trong năm 2015 cũng bị giảm xuống còn 1,1%, so với mức dự báo có thể đạt được vào năm 2016 là 1,7%.
Trong năm 2015, kỳ vọng khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU được ký kết, tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU sẽ khởi sắc, tương tự trường hợp của Bangladesh tăng trưởng mạnh vào EU kể từ khi hưởng ưu đãi về thuế GSP. Dự báo năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU sẽ duy trì được đà tăng trưởng và đạt trên 4 tỷ USD.
Thị trường Nhật Bản
Lại một lần nữa, dệt may của ta đã chứng tỏ được sự cố gắng của mình ở thị trường này vì kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của việc tăng thuế tiêu thụ trong tháng 4/2014. GDP của Nhật Bản đã giảm 1,6% trong quý 3/2014 trong bối cảnh các gia đình hạn chế chi tiêu và các doanh nghiệp giảm đầu tư. Và trong ảnh hưởng của xu thế chung, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Nhật Bản năm 2014 ước đạt 40,59 tỷ USD, giảm 1% so với năm 2013.
Mặc dù vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2014 của Việt Nam vào Nhật Bản vẫn đạt 2,7 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013, một mức tăng không nhỏ trong bối cảnh chung của thị trường Nhật Bản như vậy.
Không những thế, năm 2014 Việt Nam còn tăng được thị phần lên 6,61% từ mức 6,01% của năm 2013.
Việt Nam có thế mạnh là một trong những nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Nhật Bản. Việc các nhà đầu tư Nhật tăng đầu tư vào vùng sản xuất nguyên phụ liệu trong ngành Dệt may tại Việt Nam đã tạo cho ngành cơ hội tận dụng được lợi thế về quy tắc xuất xứ và từng bước đáp ứng được tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bởi vậy, sang năm 2015, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nhật Bản tiếp tục khả quan, có thể đạt 2,9 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2014.
Thị trường Hàn Quốc
Riêng với thị trường này có lẽ là đỡ vất vả hơn cho ngành trong năm qua và sẽ đem lại nhiều hy vọng hơn cho ngành trong năm tới vì nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của Hàn Quốc có xu thế tăng mạnh, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2014. Năm 2014, thị phần của hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc đạt 16,4%, tăng so với năm 2013 là 2,1 điểm phần trăm.
Tổng kim ngạch xuất khẩu khăn tắm của Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2014 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2013.
Còn sang năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc được dự báo có thể đạt 3 tỷ USD, tăng mạnh 26,6% so với năm 2014.